Anh chị em được Chúa yêu thương! Trong lời cầu nguyện chung mà Chúa Giê-xu Christ đã dạy chúng ta, chúng ta cầu nguyện rằng: Xin cho chúng con hôm nay thức ăn đủ ngày và xin tha tội cho chúng con, như chúng con đã tha những kẻ có lỗi với chúng con (Ma-thi-ơ 6:11-12).
Chúng ta hãy chú ý đến các từ “và” (trong Kinh Thánh tiếng Anh và Đức có từ “và”, bản dịch tiếng Việt không có) và “như”. Sự tha thứ của Đức Chúa Trời là nhu cầu hằng ngày cho linh hồn chúng ta, cũng như đồ ăn là nhu cầu hằng ngày cho thân thể. Và chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác mỗi ngày, như lời đã chép trong Ê-phê-sô 4:26: … đừng căm giận cho đến lúc mặt trời lặn.
Hôm nay, tôi muốn làm chứng về Lời Chúa với chủ đề “Sự Tha Thứ của Đức Chúa Trời.” Xin anh chị em hãy tra xét mọi lời tôi nói qua Kinh Thánh, vì tư tưởng và lời nói của con người không phù hợp với Lời Đức Chúa Trời. Mọi câu trả lời cho các thắc mắc đều phải được tìm trong Lời Đức Chúa Trời. Vì chỉ có Lời Chúa là lẽ thật (Giăng 17:17).
Tại sao con người cần sự tha thứ của Đức Chúa Trời – và cần mỗi ngày?
Bởi vì tất cả chúng ta đều đã phạm tội và vẫn tiếp tục phạm tội.
Lời Đức Chúa Trời nói rằng mỗi người đều có tội, vì chẳng có người công chính nào trên đất luôn làm điều thiện mà không bao giờ phạm tội (Truyền đạo 7:20). Nếu chúng ta nói mình không có tội thì chúng ta tự lừa dối mình, và chân lý không ở trong chúng ta (1. Giăng 1:8).
Ngay cả các tổ phụ đức tin của chúng ta – Abraham, Isaac, Gia-cốp, Đa-vid… – cũng là những người có tội. Họ từng nói dối, gian dối, phạm tội ngoại tình, giết người. Ngay cả Phao-lô, người được nhận ân điển gặp chính Chúa Giê-xu Christ (Công vụ 9:3-5), được đưa lên tầng trời thứ ba (2 Cô-rinh-tô 12:2) và sau nhiều năm phục vụ vẫn phải thừa nhận: “Tôi không hiểu điều mình làm. Vì tôi không làm điều mình muốn mà lại làm điều mình ghét.” (Rô-ma 7:15) ” Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể hay chết nầy?” (Rô-ma 7:24)
Con người phạm tội – nhưng liệu chúng ta có thực sự phạm tội mỗi ngày không? Tôi chỉ có thể nói về bản thân mình – và vâng, tôi phạm tội hàng ngày. Bao lần tôi nghĩ hoặc nói điều xấu về người khác? Bao lần tôi nói dối? Bao lần tôi kiêu ngạo, lười biếng, tham lam, ghen tị, giận dữ…? Liệu tôi có thật sự tôn vinh Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, Đấng Tạo Hóa của trời đất hay không? Tôi có cảm tạ Ngài mỗi ngày vì tất cả những gì Ngài đã ban phước cho tôi không? Tôi có cảm tạ Ngài vì tôi có thể nhìn thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm nhận không? Khi tôi suy nghĩ về điều đó, tôi phải thừa nhận: Vâng, tôi phạm tội mỗi ngày.
Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta tội lỗi như thế nào?
Nhưng „Chúc tụng Đức Chúa Trời, Cha của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, Ngài đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ mọi phước hạnh thuộc linh ở các nơi trên trời. 4 Ngay cả trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, để chúng ta được thánh hóa và không chỗ chê trách trước mặt Ngài. 5 Trong tình yêu thương, Ngài đã định sẵn cho chúng ta địa vị làm con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo mục đích tốt đẹp của ý muốn Ngài, 6 để ca ngợi ân điển vinh quang mà Ngài đã ban tặng cho chúng ta trong Con yêu dấu của Ngài! 7 Vì trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội theo sự phong phú của ân điển Ngài (Ê-phê-sô 1:3-7).
Chúa Giê-xu Christ, Chúa (Giăng 1:1; Rô-ma 9:5) và Con Một của Đức Chúa Trời (Giăng 3:16; 1 Giăng 4:9), đã trở nên người (Phi-líp 2:6-7) và đã chết thay cho tội lỗi của chúng ta (1 Cô-rinh-tô 15:3; Rô-ma 5:8). Qua sự chết của Ngài, chúng ta được cứu khỏi quyền cai trị của bóng tối và tội lỗi chúng ta được tha thứ (Cô-lô-se 1:13-14). Nhờ sự sống lại của Ngài, chúng ta hy vọng vào sự sống lại của chính mình (1 Cô-rinh-tô 15:21) và hy vọng được sống đời đời với Ngài theo lời hứa của Đức Chúa Trời (Tít 1:2). Trong Hê-bơ-rơ 9:22 có chép: „…Không đổ huyết thì không có sự tha thứ.“ (Hê-bơ-rơ 9:22). Vậy nên, Đức Chúa Trời chỉ có thể tha thứ cho chúng ta vì Chúa Giê-xu đã chết thay cho chúng ta.
Trong Hê-bơ-rơ 8:12 và 10:17, Đức Chúa Trời đã nói về sự tha thứ của Ngài: „Ta sẽ tỏ lòng thương xót đối với sự gian ác của họ, Và không còn ghi nhớ tội lỗi họ nữa.“
Khi ai đó làm tổn thương thể chất hay tinh thần chúng ta, chúng ta thường nhớ đến điều đó hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng – thậm chí có khi nhiều năm sau vẫn còn nhớ. Khi gặp lại một tình huống tương tự, ký ức cũ lại được gợi lên và làm vết thương cũ lại chảy máu. Ở Đức Chúa Trời thì khác: Khi Ngài tha thứ, Ngài sẽ không còn nhớ đến nữa. “Dù tội các ngươi đỏ như son, Sẽ trở nên trắng như tuyết; Dù đỏ thắm như vải điều, Sẽ trở nên trắng như lông chiên” (Ê-sai 1:18)
Vậy làm thế nào để chúng ta nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời?
Tôi muốn đọc câu chuyện chúng ta quen thuộc về người con hoang đàng trong Lu-ca 15. Hôm nay, chúng ta chỉ xem các câu 11 đến 24.
“Một người kia có hai con trai. 12Người em nói với cha: ‘Thưa cha, xin chia cho con phần tài sản thuộc về con.’ Và người cha đã chia gia tài cho chúng. 13Chẳng bao lâu, người em tóm thu hết của cải và đi đến một nơi xa; ở đó, nó ăn chơi phóng đãng, phung phí tài sản mình. 14Khi đã tiêu sạch của rồi, trong xứ xảy ra một nạn đói lớn và nó bắt đầu lâm vào cảnh túng thiếu. 15Nó phải đi làm mướn cho một người dân bản xứ và bị sai ra đồng chăn heo. 16Nó ước ao lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no nhưng chẳng ai cho. 17Bấy giờ nó mới tỉnh ngộ, tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm mướn cho cha ta được ăn bánh dư dật mà ở đây ta phải chết đói! 18Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha và thưa với cha: Cha ơi, con đã phạm tội với trời và với cha, 19không xứng đáng gọi là con của cha nữa. Xin cha xem con như người làm thuê của cha vậy.’ 20Nó liền đứng dậy, trở về với cha mình. Nhưng khi còn ở đàng xa, người cha thấy nó thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ nó mà hôn. 21Người con thưa với cha: ‘Cha ơi, con đã phạm tội với trời và với cha, chẳng còn xứng đáng gọi là con của cha nữa.’ 22Nhưng người cha bảo các đầy tớ: ‘Hãy mau lấy áo tốt nhất mặc cho nó, đeo nhẫn vào tay, mang giày vào chân. 23Hãy bắt con bê mập làm thịt. Chúng ta hãy ăn mừng! 24Vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ tìm lại được.’ Rồi họ bắt đầu ăn mừng.
Mỗi người trong chúng ta nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời theo những cách khác nhau. Đối với tôi, tôi cần trải qua các giai đoạn trưởng thành trong đức tin sau đây để nhờ ân điển của Ngài mà nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời: “Phải ăn năn và quy về với Đức Chúa Trời, … làm công việc xứng đáng với sự ăn năn” (Công vụ 26:20).
- Ăn năn – nhìn nhận và ăn năn cuộc sống tội lỗi của bản thân
Người con hoang đàng đã nhận ra điều gì khi gặp khó khăn? Lu-ca 15:17: “Người ấy tỉnh ngộ…” và quyết định: “18Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha và thưa với cha: Cha ơi, con đã phạm tội với trời và với cha, 19không xứng đáng gọi là con của cha nữa. Xin cha xem con như người làm thuê của cha vậy.” (Lu-ca 15:18-19). Người ấy nhận ra rằng cuộc sống không có cha, không có Chúa Giê-xu Christ, là cuộc sống vất vả, đầy tội lỗi và vô nghĩa.
Vào tháng 6 năm 2022, Chúa đã thương xót tôi và bày tỏ cho tôi nhận biết về Ngài. Tôi đã được nhận ra Ngài vĩ đại và toàn năng biết bao – và cuộc sống của tôi trước đây không có Ngài thật vất vả, đầy tội lỗi và vô nghĩa như thế nào. Tôi đã thú nhận các tội lỗi của mình và tin vào sự tha thứ của Ngài, vì: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính.” (1 Giăng 1:9)
- Trở về cùng Đức Chúa Trời – từ lòng trở lại với Đức Chúa Trời
Người con hoang đàng trong câu chuyện đã làm gì sau đó? Lu-ca 15:20: “ Nó liền đứng dậy, trở về với cha mình.” Người con hoang đàng đã quyết định trong lòng và thực hiện quyết định đó. Anh ta đã trở về với cha mình. Anh chị em hãy chú ý: Trước đó, anh ta đã gần như đói chết. Con đường trở về chắc chắn vô cùng khó khăn với anh ta. Anh ta chắc chắn phải đối mặt với nhiều gian truân về thể xác và tinh thần trong hành trình trở về.
Lời Đức Chúa Trời đã đến với tôi nhờ ân điển của Ngài qua sự giảng dạy của Mục sư Nguyễn Văn Hiếu, khi tôi khoảng 15 hoặc 16 tuổi. Khi tôi 18 hoặc 19 tuổi, tôi đã được rửa tội tại một nhà thờ Tin Lành Đức ở Đức. Sau đó, tôi đã tích cực tham gia cộng đồng người Việt tại Neuperlach trong nhiều năm. Tôi thường xuyên tham dự các buổi lễ, thỉnh thoảng tham gia dàn hợp xướng nhà thờ và đôi khi đảm nhận vai trò dẫn chương trình. Nhưng dù tham gia bên ngoài như vậy, tôi vẫn chưa thực sự trở về với Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu Christ bằng cả tấm lòng, khi ở nhà lúc trong hội thánh hay ngoài cuộc sống xã hội. Đức tin của tôi chưa sâu sắc, và lòng tôi chưa thật sự dâng hiến. Đó cũng là lý do tôi không nhớ chính xác thời điểm những việc này xảy ra.
- Làm công việc xứng đáng với sự ăn năn
Vào tháng 6 năm 2022, gần 30 năm sau lần đầu tiền nghe Lời Chúa, Chúa một lần nữa bày tỏ ân điển của Ngài cho tôi. Tôi nhận ra rằng cuộc sống của một người có tội như tôi – nếu không có sự tha thứ của Đức Chúa Trời – là không thể đối với tôi. Ngài ban cho tôi thời gian để ăn năn, như Ngài đã hứa trong 2 Phi-e-rơ 3:9: “ Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như một số người nghĩ đâu, nhưng Ngài kiên nhẫn đối với anh em, không muốn một người nào chết mất mà muốn mọi người đều ăn năn.” Mỗi ngày tôi được sống là một cơ hội để làm những việc xứng đáng với sự ăn năn. Bởi vì Gia-cơ 2:17 và 26 cho thấy rằng đức tin không có việc làm thì là đức tin chết. Nhưng những việc làm đó là gì?
Khi người con hoang đàng trở về nhà rồi, anh đã làm gì? Lu-ca 15:21 kể lại: “Người con thưa với cha: ‘Cha ơi, con đã phạm tội với trời và với cha, chẳng còn xứng đáng gọi là con của cha nữa. Người con hoang đàng không làm gì khác ngoài việc hạ mình, thú nhận lỗi lầm và cầu xin sự thương xót.
Chúng ta cũng thế, chúng ta không thể làm gì khác hơn là với lòng đau thương và thống hối mà nương tựa nơi Chúa, xin Ngài thương xót, như trong Thi-thiên 51:16-17 có chép: „Vì Ngài không vui thích của tế lễ, bởi nếu Ngài thích, con đã dâng rồi; Dù con dâng của lễ thiêu, Ngài cũng chẳng vui lòng. 17Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời là một tâm linh tan vỡ; Đức Chúa Trời ôi, một tấm lòng tan vỡ và thống hối Ngài sẽ chẳng khinh thường.“ Tương tự, người thu thuế trong Lu-ca 18:13 đã cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót tôi kẻ tội lỗi!” Bởi vì, như chúng ta đều biết qua lời Chúa, Chúa Giê-xu là con đường, là chân lý và là sự sống; không ai đến được với Đức Chúa Trời mà không qua Ngài! (Giăng 14:6) và nếu không có Ngài, chúng ta chẳng thể làm gì được (Giăng 15:5).
Tôi nhận ra rằng mình cần hàng ngày tìm kiếm ân điển và sự đồng hành với Chúa Giê-xu Christ qua cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Bởi tôi muốn biết rõ Ngài (Công vụ 9:5; Tít 1:1) và làm theo ý Ngài muốn (Công vụ 9:6; Gia-cơ 4:15). Tôi thực sự rất sợ khi phải nghe Ngài nói với tôi: “Ta chưa từng biết các ngươi, hãy đi khỏi Ta, hỡi kẻ làm điều gian ác.” (Ma-thi-ơ 7:23).
Người Cha trong chuyện đã phản ứng thế nào với lời con nói? Người Cha không chú ý đến lời thú nhận tội lỗi – vì Ngài nhìn vào tấm lòng (1 Sa-mu-ên 16:7). Ngài không còn nhớ đến những điều đã qua và không để ý đến quá khứ! (Ê-sai 43:18). Thay vào đó, người cha đã tràn đầy phước lành và ban cho con một cuộc sống mới (Giăng 10:10).
Có trường hợp nào chúng ta không nhận được sự tha thứ không? Có, tôi đến nay biết ba trường hợp trong Kinh Thánh:
- Khi ai đó có lòng cứng cỏi, không chịu ăn năn (Rô-ma 2:5) và không tin nơi Chúa Giê-xu (Giăng 3:36).
- Khi ai phạm tội/ phạm thượng Thánh Linh (Ma-thi-ơ 12:31-32; Mác 3:28-30; Lu-ca 12:10).
- Khi ai không tha thứ cho người khác (Ma-thi-ơ 6:14-15; Mác 11:25).
Anh chị em đừng quên câu chuyện trong Ma-thi-ơ 18:23–35: Chúng ta làm tội với Đức Chúa Trời lớn hơn rất rất nhiều so với bất kỳ ai làm tội với chúng ta. Vì vậy, chúng ta có thể – và phải – tha thứ cho người khác, bởi vì Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước hết.
Có một lý do tại sao Chúa Giê-xu Christ, là Chúa, phải làm người và chết vì tội lỗi chúng ta. Bởi vì không có giải pháp nào khác. Không có con đường nào khác ngoài chỉ qua Chúa Giê-xu Christ mà thôi.